Thưa bác sĩ! “Sau khi dùng thuốc phá thai phải lưu lại ở phòng khám nơi có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu về tim mạch, đồng thời phải có điều kiện để vận chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn… và chống chỉ định dùng thuốc đối với người mắc bệnh gan”, tại sao lại như vậy? Người mắc bệnh gan có ảnh hưởng gì khi dùng thuốc phá thai? Vợ cháu bị viêm gan B mãn tính (SGOT và SGPT bình thường) thì có thể dùng thuốc phá thai không? Em xin chân thành cảm ơn bác sĩ!
Bạn thân mến,
Phá thai nội khoa hay phá thai bằng thuốc hiện nay đã trở nên phổ biến. Đây cũng là xu hướng chung bởi vì phá thai nội khoa không chỉ có nhiều ưu điểm cho người nhận dịch vụ nhưng đồng thời cũng giảm bớt tâm lý nặng nề ở người cung cấp dịch vụ phá thai.
Bác Sĩ Chuyên Khoa II Nguyễn Quang Cừ
Nguyên Trưởng phòng khám Tiết niệu sinh dục
Hơn 40 năm kinh nghiệm tại bệnh viện Việt Đức
Thuốc phá thai sử dụng ở Việt Nam phối hợp giữa Mifepristone và Misoprostol.
Ở phụ nữ nội tiết tố progesteron do hoàng thể tiết ra trong chu kỳ kinh nguyệt có tác dụng làm dày niêm mạc tử cung để trứng làm tổ và bám chắc vào đó. Nhóm thuốc Mifepristone có tác dụng đối kháng với progesteron nên cản trở quá trình này. Nếu dùng sớm khi chưa thụ thai thì nó ngăn cản quá trình thụ thai (được coi là thuốc tránh thai khẩn cấp). Nếu dùng muộn khi đã có thai trong vòng 49 ngày, nó làm bong thai ra khỏi niêm mạc tử cung, được coi là thuốc phá thai. Khi dùng Mifepristone quá muộn, thai sẽ không bong ra được.
Còn nhóm thuốc Misoprostol làm tăng cường co bóp cơ tử cung để tống thai ra ngoài sau khi Mifepristone đã làm bong thai ra khỏi niêm mạc tử cung. Để phá thai, 2 nhóm thuốc trên nhất thiết phải kết hợp với nhau.
Về chống chỉ định dùng thuốc phá thai với Mifepristone và Misoprostol bao gồm:
– Dị ứng với Mifepriston hay Misoprostol
– Điều trị corticoid toàn thân lâu ngày
– Suy tuyến thượng thận mạn
– Rối loạn đông máu hay đang điều trị kháng đông
– Thiếu máu nặng.
– Thai lạc chỗ đã được xác nhận hay còn nghi ngờ
– Dụng cụ tử cung còn đang hiện hữu
– Bệnh Porphyrie di truyền.
Ngoài ra, phụ nữ có bệnh mạn tính bao gồm: tăng huyết áp, bệnh gan hoặc bệnh thận nặng cần được đánh giá tùy thuộc vào mỗi cá nhân.
Ra máu âm đạo nhiều là tai biến có thể gặp sau khi phá thai bằng thuốc và đôi khi đòi hỏi phải điều trị truyền máu cấp cứu. Đây là lý do khi phá thai bằng thuốc bạn phải ở gần cơ sở y tế có trang bị đầy đủ phương tiện hồi sức và cấp cứu để xứ trí một tình huống mất máu cấp.
Đối với bệnh gan nặng có suy gan thì mới chống chỉ định dùng thuốc. Bởi vì khi suy gan, một số yếu tố đông máu do gan tổng hợp bị suy giảm sẽ gây chảy máu nặng.
Chúc bạn khỏe