Thưa bác sỹ, Tôi hay bị mụn rộp (Herpes) ở vành môi. Khoảng 1 quý bị 1 lần. Tôi có thắc mắc sau: – Virus Herpes này có gây bệnh ung thư cổ tử cung không (gia đình tôi có chị ruột đã mất vì ung thư cổ tử cung)? Nếu có thì cách phòng tránh thế nào (tôi bị nhân xơ tử cung d=30x40mm)? Ở tuổi của tôi (50 tuổi) có thuốc để tiêm phòng bệnh mụn rộp và UT CTC không? Tiền sử bệnh: lao phổi đã chữa khỏi lúc 27 tuổi, bệnh thalassemia (thiếu máu thể nhẹ). Xin bác sỹ giải đáp giúp tôi. Cảm ơn rất nhiều.
Bạn thân mến,
Herpes là một bệnh thường gặp gây ra bởi virus, được gọi là herpes simplex virus (HSV). Có hai loại herpes, HSV-1 và HSV-2. Hai loại virus này liên quan rất chặt chẽ với nhau, nhưng khác nhau về cách lây truyền và vị trí gây bệnh.
Bác Sĩ Chuyên Khoa II Nguyễn Quang Cừ
Nguyên Trưởng phòng khám Tiết niệu sinh dục
Hơn 40 năm kinh nghiệm tại bệnh viện Việt Đức
HSV-1 lây truyền qua tiếp xúc với nước bọt bị nhiễm khuẩn, trong khi HSV- 2 thường lây truyền qua đường tình dục hoặc qua đường sinh dục của mẹ sang con lúc mới sinh. HSV-1 ảnh hưởng đến vùng xung quang miệng, trong khi HSV-2 ảnh hưởng đến vùng sinh dục.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy herpes sinh dục gây ra ung thư cổ tử cung.
Bệnh herpes sinh dục chưa có vaccine phòng ngừa. Do đó, để tránh bị herpes sinh dục, tốt nhất nên thực hành tình dục an toàn. Hạn chế số lượng bạn tình. Luôn luôn sử dụng bao cao su, trừ khi chỉ quan hệ một vợ một chồng với người không bị nhiễm bệnh.
Đối với vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung do HPV (Human Papilloma Virus), theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, các nghiên cứu chỉ thực hiện ở những người tuổi từ 9 – 26 và cho thấy an toàn, hiệu quả ở nhóm tuổi này. Người ta cũng nhận thấy vaccine giúp bảo vệ chống lại nhiễm trùng và bệnh từ các loại HPV có trong vaccine, và chỉ giúp những phụ nữ chưa bị nhiễm các loại HPV này trước khi được tiêm vaccine. Bởi vì nguy cơ nhiễm và mắc bệnh từ HPV thấp ở nhóm tuổi này, nên vaccine dường như lợi ích cho nhóm tuổi phụ nữ này hơn.
Vaccine chưa được cấp phép ở Hoa Kỳ cho lứa tuổi trên 26, vì chưa chứng minh được hiệu quả phòng ngừa cho dân số nam và nữ ở nhóm tuổi trên 26. Do đó, không khuyến cáo tiêm Vaccine HPV cho người trên 26 tuổi.
Tuy nhiên, ở một số nước trên thế giới vẫn áp dụng tiêm ngừa cho lứa tuổi trên 26 mặc dù hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng.
Đối với phụ nữ trên 26 tuổi, cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư cổ tử cung là khám phụ khoa và làm Pap Smear định kỳ để phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung.
Thân mến.